Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Giáo dục và Đào tạo Hà Nam - Quá trình hình thành và phát triển

Giới thiệu chung Quá trình hình thành và phát triển  
Giáo dục và Đào tạo Hà Nam - Quá trình hình thành và phát triển
Là quê hương của phong trào thi đua “Hai tốt”, với trường Bắc Lý anh hùng. Hà Nam đang kế thừa những truyền thống cách mạng, văn hiến, hiếu học lâu đời của cha ông. Hàng năm ngành giáo dục - đào tạo Hà Nam luôn quan tâm tổ chức các phong trào thi đua sôi nổi, sâu rộng theo chủ đề năm học, đẩy mạnh phong trào thi đua “Hai tốt” trong nhà trường cũng như các cơ sở giáo dục; coi thi đua là một động lực mạnh mẽ để thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, góp phần thúc đẩy sự nghiệp trồng người tỉnh Hà Nam ngày càng phát triển

 IMG_0556.JPG


GIÁO DỤC ĐÀO TẠO HÀ NAM


A. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA NGÀNH GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO HÀ NAM

1. Thời kỳ phong kiến và Pháp thuộc (trước năm 1945)

Hà Nam là một trong những địa phương của cả nước có tiếng là đất hiếu học. Dưới các triều Ngô, Đinh, Lê, Hà Nam nằm ở vị trí giáp với phía bắc của kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình). Khi kinh đô dời chuyển về Thăng Long (Hà Nội), dưới triều Lý Công Uẩn, Hà Nam lại trở thành phiên giậu phía Nam của kinh thành. Nhiều năm dưới triều hậu Lê, Hà Nam lại là nơi đặt sở lỵ của trấn Sơn Nam; đến thời Nguyễn tính từ năm 1802, Hà Nam thuộc Hà Nội, nằm ở vị trí quan trọng trên con đường thiên lý Bắc - Nam. Vị trí trung tâm và gần kề với các trung tâm văn hóa lớn suốt hơn 1000 năm như thế, đã trở thành điều kiện khá thuận lợi cho việc học hành thi cử của người Hà Nam. Nhìn chung, giáo dục Hà Nam trong thời kỳ phong kiến có hai điểm chính: một là, việc học theo khoa cử Nho học; hai là, việc học và việc dạy các nghề thủ công, mỹ thuật khác.

Đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp bắt tay vào công cuộc cai trị nước ta. Các chính sách văn hóa, xã hội có nhiều thay đổi, đảo lộn so với truyền thống quá khứ hàng nghìn năm. Quan niệm giáo dục, cách học và dạy cũng thay đổi nhiều. Khoa cử Hán học bỏ hẳn, thay vào đó là hệ thống trường học thuộc địa. Ngôn ngữ bấy giờ là tiếng Pháp và một chút tiếng Việt theo mẫu tự Latinh, chữ Hán không còn được trọng dụng từ sau năm 1918, thời điểm nhà Nguyễn chính thức bỏ Nho học. Kẻ sĩ thời này không chỉ có một con đường duy nhất là đi học - đi thi - đỗ đạt và làm quan, tất nhiên các trường Pháp - Việt cũng có mục đích chính là đào tạo một lớp quan lại, công chức mới, nhưng bên cạnh đó cũng đào tạo các nghề để làm việc, để kiếm sống như: học làm tri huyện, đốc học hoặc học làm ông thông, ông phán, làm nhân viên bưu tá, nhân viên đường sắt, làm đốc tờ (bác sĩ)… Tuy nhiên, trong thời Pháp thuộc, các trường học rất ít, điều kiện để dạy và học cũng rất khó khăn nên số người đi học chỉ là số nhỏ. Sau cách mạng tháng Tám, số người không biết chữ cả nước khoảng 90%. Là một tỉnh nhỏ, tuy gần hai trung tâm “trường Nam thi lẫn trường Hà”, nhưng Hà Nam cũng không ngoại lệ, nghĩa là người đi học, người biết chữ không được nhiều. Chính sách ngu dân ở một xứ quân chủ, nửa thực dân cũng không cho phép dân thuộc địa biết chữ nhiều.

2. Thời kỳ sau cách mạng tháng Tám đến những năm đổi mới (1945 - 1996)

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), Hà Nam xuất hiện một số nhân vật có uy tín đóng góp cho sự nghiệp giáo dục ở nhiều vùng miền, nhất là ở chiến khu Việt Bắc, như Nguyễn Văn Hiếu, Lê Tự Lành.

Khoảng năm 1953 - 1954, trong rừng kháng chiến bắt đầu có lớp học ĐH. Sau đó, nhiều trường lớn được thành lập như trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội…Người Hà Nam tham gia học từ những khóa đầu tiên và nhiều người đã trở thành những người thầy có uy tín như: GS. Nguyễn Hồng Phong, GS. Trần Quốc Vượng, PGS. Đỗ Văn Hỷ, PGS. Bùi Duy Tân, PGS.TS. Trần Thị Băng Thanh… Tiếp nối, các thế hệ thầy, trò ở các trường ĐH, CĐ ngày một nhiều, các “nhà khoa bảng” có chức danh ở nhiều môn khoa, nhiều ngành nghề ngày càng đông.

Từ năm 1954, ở Hà Nam, giáo dục dần đi vào nền nếp. Đầu tiên, bậc học được chia làm ba: sau lớp vỡ lòng là cấp I (gồm 4 lớp: một, hai, ba, bốn); cấp II (gồm 3 lớp: năm, sáu, bảy); cấp III (gồm 3 lớp: tám, chín, mười). Sau đó, cải cách giáo dục chia giáo dục phổ thông thành hệ 12 lớp: tiểu học (từ lớp một đến lớp năm); THCS (từ lớp sáu đến đến lớp chín); THPT (từ lớp mười đến lớp mười hai).

Điều kiện vật chất lúc đầu vô cùng thiếu thốn. Trường sở phần lớn là tranh, tre, nứa, lá. Học sinh đi học phải mang theo ghế ngồi, bàn học nhiều khi là cánh cửa ngả ra, đóng 4 cọc tre và kê lên. Sách vở, dụng cụ, giấy bút đều thiếu thốn nhiều. Thầy, trò phải tiết kiệm từng mẩu bút chì, từng mảnh giấy, SGK thường phải dùng chung nhau.

Từ năm 1965 đến năm 1972, nhiều trường phải sơ tán tránh bom đạn Mỹ, điều kiện lại càng thiếu thốn. Lớp học dựng ngay bên hầm trú ẩn. Lúc đó, mỗi xã chưa có được một trường cấp II, học trò vài ba xã thường phải học trung một trường. Mãi về sau mỗi huyện mới có một trường cấp III. Có học sinh ở Bình Lục phải lên Phủ Lý học, đi bộ khoảng 9 - 10 km, thậm chí 15 - 20 km. Nhưng việc vào ĐH lại rất thuận lợi, đến cuối những năm 1960, ai học hết cấp III, thành phần gia đình tốt là được gọi vào ĐH. Từ đầu những năm 1970 trở đi mới có tuyển sinh ĐH.

Cùng với sự phát triển của giáo dục phổ thông, giáo dục không chính quy cũng rất phát triển. Các trường BTVH đã góp phần bồi dưỡng văn hóa, nâng cao trình độ cán bộ, nhân dân trong toàn tỉnh. Trong những năm khó khăn gian khó đó, bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục toàn diện cho con em địa phương. Hà Nam có nhận cưu mang, nuôi dưỡng và dạy dỗ hàng nghìn học sinh con em miền Nam, Vĩnh Linh, Quảng Bình với tinh thần “nhường cơm xẻ áo”, “ vì miền Nam ruột thịt”.

Từ ngày hòa bình lập lại đến năm 1996 là quãng thời gian tỉnh Hà Nam nhập với tỉnh Nam Định thành lập Nam Hà, lại nhập thêm tỉnh Ninh Bình thành tỉnh Hà Nam Ninh, sau đó tách tỉnh Ninh Bình ra thành tỉnh Nam Hà, đến năm 1997 lại tách thành tỉnh Nam Định và tỉnh Hà Nam. Đó cũng là quãng thời gian giáo dục Hà Nam trưởng thành vượt bậc. Cả thầy và trò đã vượt qua khó khăn, thiếu thốn để dạy tốt và học tốt. Đã xuất hiện không ít những trường lớp tiêu biểu từ tiểu học đến trung học và cũng xuất hiện không ít những tấm gương thầy, cô tận tình, gương mẫu, những tấm gương trò giỏi con ngoan. Điển hình về dạy và học của giáo dục Hà Nam là: trường THCS Bắc Lý, trường cấp III Biên Hòa (Phủ Lý).

Trường THCS Bắc Lý được thành lập năm 1953, chỉ sau 8 năm, năm học 1961 - 1962 trường đã được Bộ Giáo dục công nhận là lá cờ đầu của ngành giáo dục và phát động phong trào “tích cực thi đua dạy tốt, học tốt đuổi kịp và tích cực vượt Bắc Lý”. Năm 1963 tại Hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Hai tốt” của ngành giáo dục: “học thật tốt, dạy thật tốt”, chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra chỉ thị: “Cần phát triển kiểu dạy, kiểu học của trường Bắc Lý”. Tháng 10/1945, trường được nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng. “Tiếng trống Bắc Lý” đã trở thành câu thành ngữ của thời hiện đại. Theo số liệu thống kê, Bắc Lý có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 100%, trong đó khá, giỏi chiếm 61 - 72%, tỷ lệ học sinh lên lớp chiếm 99,4 - 100%. Học sinh Bắc Lý hiện tại có 11 tiến sĩ, 19 cán bộ nghiên cứu khoa học, 45 cán bộ giảng dạy ĐH, 13 kỹ sư, 63 bác sĩ và hàng trăm cán bộ xã, huyện, tỉnh và hàng ngàn nhà giáo, sĩ quan quân đội… Năm 1997, trường Bắc Lý được tặng Huân chương độc lập hạng Ba. Năm 2000, trường được phong tặng đơn vị Anh hùng lần thứ hai.

Trường cấp III Biên Hòa, nay là trường PTTH chuyên Biên Hoà, Hà Nam, nằm giữa trung tâm thị xã Phú Lý, trường thành lập năm 1959. Năm học 1959 - 1960, trường có 6 lớp, 300 học sinh, 13 giáo viên, 2 đảng viên (năm 1962 có 17 học sinh Lào và nhiều học sinh miền Nam tập kết). Đến năm 1999 - 2000, trường đã có 27 lớp, 1.381 học sinh, 81 giáo viên, công nhân viên, 34 đảng viên. Năm 1999, sau 40 năm thành lập, trường đã được Đảng và nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương, cờ và bằng khen: 2 Huân chương độc lập hạng Ba (1962, năm 1965); Huân chương Kháng chiến hạng Nhì (năm 1972); Huân chương lao động hạng Nhì (1987, 2011), hạng Nhất (1995); 112 cờ thưởng về mọi mặt của các cấp; 135 bằng và giấy khen từ TW đến địa phương, cùng nhiều danh hiệu và bằng khen cho các cá nhân, tập thể, giáo viên, công nhân viên, học sinh nhà trường.

B. THÀNH TỰU ĐẠT ĐƯỢC TRONG NHỮNG NĂM GẦN ĐÂY VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM

1. Thành tựu đạt được trong những năm gần đây

Hà Nam là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, xã hội; có truyền thống cách mạng, văn hiến, hiếu học. Ngành Giáo dục - Đào tạo tỉnh Hà Nam được sự chăm lo của Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh. Quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết Trung ương 2 (khoá VIII) của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XVIII, trong những năm qua ngành GD - ĐT tỉnh Hà Nam đã đạt được những thành tích rất đáng khích lệ.

          Quy mô trường lớp ở các ngành học, bậc học, cấp học tiếp tục phát triển: toàn tỉnh hiện có 120 trường mầm non công lập; 140 trường tiểu học; 120 trường THCS; 27 trường THPT; 6 trung tâm GDTX; 1 trung tâm KTTHHN; 01 trường đại học, 2 cao đẳng, 1 trung cấp. Số cháu nhà trẻ huy động ra lớp đạt tỷ lệ 43,42%, tỷ lệ trẻ em mẫu giáo trong độ tuổi ra lớp đạt 98,65%, trong đó mẫu giáo 5 tuổi đạt 100%. Tỷ lệ trẻ em 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%. Học sinh tốt nghiệp tiểu học vào lớp 6 đạt 99.99%, Tuyển sinh vào lớp 10 THPT và bổ túc THPT đạt tỷ lệ 81% số học sinh lớp 9 (tăng 1,3% so với năm học trước). Toàn tỉnh bình quân cứ 4 người có 1 người đi học. Mỗi xã có ít nhất 1 trường Mầm non, 1 trường tiểu học và 1 trường THCS; bình quân 4,3 xã, phường có 1 trường THPT. Toàn tỉnh có 258 trường đạt chuẩn Quốc gia, trong đó 56/120 trường THCS, chiếm tỉ lệ 46,7%; 7/27 trường THPT, chiếm tỉ lệ 25,93%; Mầm non 59/120, chiếm tỉ lệ 49,2%. Cấp Tiểu học có 136/140 trường đạt chuẩn Quốc gia, đạt tỷ lệ 97,14%.  Toàn tỉnh tiếp tục kiện toàn 116 trung tâm học tập cộng đồng, đạt tỷ lệ 100% (116/116). Sở đã tổ chức hội nghị sơ kết việc tổ chức và xây dựng trung tâm học tập cộng đồng tại Thanh Nguyên huyện Thanh Liêm, rút kinh nghiệm chỉ đạo trong phạm vi toàn tỉnh.

Mỗi năm có khoảng gần 5 nghìn học viên học các lớp bổ túc văn hóa từ THCS tới trung học. Trường CĐSP Hà Nam đào tạo tập trung sinh viên hệ CĐSP, Trung học sư phạm mầm non, Trung học sư phạm âm nhạc, đảm bảo được chỉ tiêu, cơ cấu và loại hình đào tạo. Tỉnh Hà Nam là một trong bốn tỉnh đầu tiên của toàn quốc được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; là một trong 10 tỉnh đầu tiên của cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS vào tháng 1 năm 2002, là 1 trong 2 tỉnh đầu tiên của toàn quốc có 100% (116/116) xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS, được bộ Giáo dục và Đào tạo tặng cờ.

Chất lượng giáo dục, hiệu quả đào tạo được nâng lên rõ rệt: Cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, cán bộ, giáo viên toàn ngành đã tập trung công sức với quyết tâm nâng cao chất lượng mũi nhọn, chất lượng học sinh giỏi các bộ môn văn hóa ở các ngành học, bậc học, cấp học; góp phần vào việc bồi dưỡng nhân tài cho quê hương, đất nước. Kết quả thi tốt nghiệp THPT, thi học sinh giỏi Quốc gia, thi vào đại học, cao đẳng trong những năm gần đây Hà Nam luôn là một trong 10 tỉnh dẫn đầu cả nước. Năm học 2003-2004, học sinh Ngô Thị Tuyên lớp 12A3 trường THPT A Thanh Liêm đỗ thủ khoa trường Đại học Sư phạm Hà Nội với số điểm tuyệt đối 30/30, là một điểm nhấn quan trọng, là động lực để Giáo dục Hà Nam vươn lên tầm cao mới. Năm học 2008 - 2009, thi tốt nghiệp THPT Hà Nam xếp thứ 2 toàn quốc, thi vào đại học xếp thứ 7, thi học sinh giỏi Quốc gia, số học sinh đạt giải tăng. Kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia lớp 12 THPT năm học 2008 - 2009, Hà Nam có 68 học sinh của 10 đội tuyển dự thi; đạt 51 giải, chiếm tỷ lệ 75%, so với năm học 2007 - 2008 vượt 9 giải; có 3 học sinh đỗ thủ khoa vào các trường đại học năm 2009. Thi giải toán trên máy tính CASIO Quốc gia; thi giải toán trên mạng Iternet bậc tiểu học, THCS Quốc gia; thi học sinh giỏi TDTT  phổ thông Quốc gia Hà Nam đều giành nhiều giải cao. Đặc biệt năm học 2011-2012 có những thành quả xuất sắc trong bồi dưỡng HSG: Kỳ thi HSGQG THPT có 2 giải Nhất (Đinh Trọng Hải: giải Nhất môn Vật Lý và Trần Thị Hà giải Nhất môn Ngữ Văn); Đinh Trọng Hải tham gia thi Olympic Vật Lý Châu Á Thái Bình Dương đạt Huy chương Bạc và toả sáng ở Olympic Vật Lý Quốc tế với Huy chương Vàng. Đây chính là một kỳ tích tạo dấu ấn lịch sử của ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nam với Giáo dục và Đào tạo cả nước ở lĩnh vực bồi dưỡng HSG sau 15 năm tái lập tỉnh.

Hà Nam quê hương của phong trào thi đua "Hai tốt" có trường Trung học cơ sở Bắc Lý - đơn vị 2 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh Hùng Lao động; phong trào thi đua hai tốt được nhân rộng, phát triển mạnh mẽ. Những năm qua ngành GD - ĐT tỉnh Hà Nam đã được nhận được 5 Huân chương độc lập, 53 Huân chương lao động của Chủ tịch nước tặng cho các đơn vị và cá nhân; 8 Nhà giáo được phong tặng danh hiệu "Nhà giáo ưu tú"; 01 Nhà giáo được phong tặng danh hiệu "Nhà giáo nhân dân", 265 đơn vị và cá nhân được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 576 đơn vị và cá nhân được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; 622 đơn vị và cá nhân được nhận bằng khen của UBND tỉnh Hà Nam; 75% số trường học được công nhận là đơn vị tiên tiến và tiên tiến xuất sắc. Lĩnh vực giáo dục tiểu học là đơn vị tiên tiến xuất sắc của cả nước. Toàn ngành quyết tâm giữ vững 15/15 chỉ tiêu công tác đã được bộ Giáo dục và Đào tạo khen thưởng trong những năm học qua.

Tỉnh Hà Nam thực hiện có kết quả cuộc vận động xã hội hóa giáo dục, sở Giáo dục - Đào tạo đã tích cực tham mưu với UBND tỉnh đầu tư mua trang thiết bị dạy học đồng bộ phục vụ cho việc thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Tham mưu với tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện tốt đề án kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên. Tính đến thời điểm tháng 01- 2012, toàn ngành có:  7340 phòng học các loại, trong đó phòng học kiên cố là 6053 phòng, đạt tỷ lệ 82,47 % gồm ngành học mầm non là 1665 phòng có 1050 phòng kiên cố đạt 63,06%, bậc tiểu học 2626 phòng có 2203 phòng kiên cố đạt tỷ lệ 83,89%, bậc THCS 2146 phòng có 1987 phòng kiên cố đạt tỷ lệ 92,59%, bậc THPT 803 phòng có 757 phòng kiên cố đạt tỷ lệ 94,27%, TTGDTX 76 phòng có 32 phòng kiên cố đạt tỷ lệ 42,11 %, trung tâm KTTH - DN có 24 phòng, 24 phòng kiên cố đạt tỷ lệ 100%.

Công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên được chú trọng đúng mức, xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đồng bộ về chủng loại có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn, có phẩm chất đạo đức tốt, có lòng yêu nghề và năng lực sư phạm, chăm lo bồi dưỡng cán bộ quản lý có đủ phẩm chất và năng lực quản lý nhà nước về GD - ĐT. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong việc thực hiện chiến lược phát triển GD - ĐT của tỉnh; đã có những giải pháp tích cực bồi dưỡng nâng dần tỷ lệ chuẩn hóa đội ngũ giáo viên: Năm học 2011-2012, Giáo viên mầm non giáo đạt chuẩn 99%, (trên chuẩn 49%); giáo viên tiểu học đạt chuẩn 100% (trên chuẩn 88%); giáo viên THCS đạt chuẩn 99,4% (trên chuẩn 40%); giáo viên THPT đạt chuẩn 100% (trên chuẩn 9,3%). Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục trình UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch liên kết với trường Đại học sư phạm Hà Nội mở 4 lớp đào tạo Đại học vừa học vừa làm, bao gồm: Ngữ văn, Địa lí, Hoá học, Quản lý Giáo dục với 240 học viên. 100% các đơn vị trực thuộc Sở đã xây dựng Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên đi học Thạc sỹ và nghiên cứu sinh giai đoạn 2011- 2015 với tổng số 150 giáo viên. Khẩn trương mở 4 lớp bồi dưỡng giáo viên Tiếng Anh dạy Tiểu học có trình độ B1 lên trình độ B2 với 80 học viên; theo kế hoạch, chậm nhất đến tháng 9/2012 sẽ hoàn thành việc bồi dưỡng cho 100% số giáo viên còn lại (46 GV) được tham gia bồi dưỡng đạt chuẩn B2. Mở các lớp bồi dưỡng Tin học trình độ B cho 310 cán bộ, giáo viên trong toàn tỉnh đạt kết quả tốt. Đảng viên toàn ngành chiếm 43%.

Công tác quản lý giáo dục tiếp tục được đổi mới: Cơ quan quản lý giáo dục các cấp, đội ngũ cán bộ quản lý toàn ngành được kiện toàn, bồi dưỡng, đào tạo; thực hiện đầy đủ chức năng quản lý Nhà nước, quản lý chuyên môn. Toàn tỉnh hiện có 854 cán bộ quản lý, đủ về số lượng ở các ngành học, cấp học. Về chất lượng: 100% CBQL có trình độ chuyên môn đạt chuẩn trở lên; trên 90% CBQL đã qua các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ QLGD; đại bộ phận CBQL có phẩm chất đạo đức tốt, năng lực quản lý vững vàng. Tích cực tham mưu với cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương về mục tiêu, kế hoạch và chính sách cho giáo dục. Chất lượng giáo dục, hiệu quả, hiệu lực quản lý giáo dục được giữ vững và nâng cao.

Có được những kết quả trên là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo; của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự quan tâm chăm lo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương và toàn xã hội và đặc biệt có sự quan tâm sâu sắc của Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan- Người con ưu tú của quê hương Hà Nam; với truyền thống của quê hương hiếu học, ngành Giáo dục và Đào tạo phát huy mạnh mẽ nội lực, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học. Phổ cập giáo dục được duy trì, giữ vững; chất lượng giáo dục các ngành học được nâng cao, giáo dục phổ thông đạt thành tích tốt cả chất lượng đại trà và chất lượng học sinh giỏi (kết quả thi tốt nghiệp THPT, thi học sinh giỏi Quốc gia, thi vào các trường đại học, cao đẳng luôn giữ vững ở vị trí 10 tỉnh dẫn đầu toàn quốc); cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học được đầu tư theo hướng trường chuẩn quốc gia; công tác quản lý giáo dục có những đổi mới tích cực, đội ngũ giáo viên đạt tỷ lệ chuẩn hóa cao; toàn ngành đẩy mạnh công tác thi đua theo tiêu chí 15 lĩnh vực công tác có chất lượng và hiệu quả. Được Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh tặng bằng khen.

Kỳ thi THPT QG năm 2017, Hà Nam là tỉnh dẫn đầu cả nước về điểm bình quân trung tốt nghiệp THPT.

2. Những bài học kinh nghiệm

 Trong những năm qua, giáo dục Hà Nam đã có sự chuyển biến toàn diện và tích cực: quy mô phát triển, chất lượng được nâng cao, nguồn lực được tăng cường; quản lý giáo dục được đổi mới; sự nghiệp giáo dục có nhiều chuyển biến tốt. Tuy nhiên, so với yêu cầu, nhiệm vụ của ngành, trong giai đoạn vừa qua còn bộc lộ những hạn chế, tồn tại cần rút kinh nghiệm: thực hiện đề án phổ cập giáp dục trung học còn gặp nhiều khó khăn về phân luồng học sinh sau THCS; xây dựng trường chuẩn quốc gia ở bậc THPT chưa đạt chỉ tiêu; nhiều trường còn thiếu phòng học bộ môn; việc sử dụng, khai thác thiết bị dạy học, đổi mới phương pháp dạy học ở một số trường còn hạn chế.

C. MỤC TIÊU VÀ CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN TRONG THỜI GIAN TỚI

Tiếp tục quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện những tư tưởng chỉ đạo phát triển GD - ĐT của Đảng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thực sự coi giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu. Xây dựng giáo dục có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại, theo định hướng XHCN, lấy chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng. Phát triển giáo dục phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ khoa học - công nghệ, củng cố quốc phòng an ninh. Giáo dục - đào tạo là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đẩy mạnh xã hội hóa; khuyến khích, huy động các ngồn lực và tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia vào phát triển giáo dục.

- Về hệ thống trường lớp: giữ vững quy mô trường lớp, tiếp tục thực hiện chế độ thang bảng lương cho giáo viên mầm non, chuyển đổi loại hình trường THPT dân lập; đề án xây dựng trường THPT chuyên. Đến năm 2015, tiếp tục thực hiện đa dạng loại hình trường công lập và tư thục. Hướng xây dựng và phát triển trung tâm học tập cộng đồng từ nay đến 2015 là củng cố những trung tâm học tập cộng đồng hiện có, nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng, chú trọng đến các lớp chuyên đề khoa học kỹ thuật, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống; duy trì hoạt động của 116 trung tâm học tập cộng đồng. Phát triển các trường trung học chuyên nghiệp và dạy nghề để tăng cường tỷ lệ người lao động qua đào tạo nghề: Xây dựng đội ngũ và CSVC để trường CĐSP trở thành trường đào tạo chất lượng cao; Hoàn thiện Đề án nâng cấp trường  CĐSP Hà Nam lên trường Đại học Hà Nam. Nâng cao hiệu quả đào tạo của các trường CĐSP, Cao đẳng y tế Hà Nam..., đa dạng hóa các loại hình và ngành nghề đào tạo.

- Về đội ngũ giáo viên: thực hiện nghiêm túc quy định của Thông tư 35/2006 về hướng dẫn định mức biên chế viên chức ở các cơ sở giáo dục phổ thông công lập. Đủ biên chế giáo viên mầm non theo Quyết định 161 của Thủ tướng Chính phủ.

+ Đối với giáo viên tiểu học: đạt tỷ lệ 1,2 giáo viên/lớp, trong đó có đủ  giáo viên dạy các môn âm nhạc, mỹ thuật, thể dục, tiếng anh, mỗi trường có 01 biên chế Tổng phụ trách đội; những trường dạy 2 buổi/ ngày đạt tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp.

+ Đối với giáo viên THCS: đạt tỷ lệ 1,9 giáo viên/lớp, trong đó có đủ biên chế giáo viên dạy văn hoá, âm nhạc, mỹ thuật, mỗi trường có 01 biên chế tổng phụ trách.

+ Đối với giáo viên THPT: đạt tỷ lệ 2,25 giáo viên/lớp.

- Về chế độ chính sách: tham mưu với UBND tỉnh có cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút nhân tài về công tác tại  ngành Giáo dục - Đào tạo Hà Nam. Có chính sách khuyến khích hỗ trợ đối với cán bộ công chức đi học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

- Về xây dựng cơ sở vật chất: khai thác các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa, hiện đại hóa; tăng cường thiết bị dạy học, đầu tư trang bị cho dạy tin học. Mục tiêu đến năm 2015 và 2020 là huy động trên 2000 tỷ đồng, trong đó: mầm non 720 tỷ đồng, tiểu học 630 tỷ đồng, THCS 680 tỷ đồng, THPT 420 tỷ đồng, trung tâm GDTX 50 tỷ đồng.

Căn cứ vào Kết luận Hội nghị  Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 khoá VIII, phương hướng phát triển Giáo dục - Đào tạo từ nay đến năm 2020, đồng thời với việc tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của chương trình hành động, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X và các Nghị quyết số 40/2000/QH10, số 41/2000/QH10 của Quốc hội; nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XVII; chương trình hành động của UBND tỉnh Hà Nam; trong thời gian tới toàn ngành Giáo dục - Đào tạo Hà Nam cần chủ động, sáng tạo triển khai thực hiện những nhiệm vụ cụ thể như sau:

1. Triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục

Toàn ngành phải tập trung giải quyết đồng bộ, hệ thống các nhiệm vụ sau :

- Duy trì kết quả và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục và chống mù chữ, phấn đấu đạt mục tiêu phổ cập giáo dục THCS đúng kế hoạch vào cuối năm 2010.

- Triển khai chủ động, sáng tạo sự phối hợp giữa ngành GD - ĐT, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Khuyến học để mỗi gia đình và toàn xã hội quan tâm hơn nữa đến việc học tập của các em, thực hiện cho được yêu cầu "3 đủ", từng bước thực hiện yêu cầu "3 biết". Thực hiện việc bàn giao học sinh giữa tiểu học và THCS, khảo sát, đánh giá chất lượng học sinh đầu năm học và kế hoạch bồi dưỡng học sinh yếu từ đầu năm học.

- Tiếp tục tổ chức tọa đàm, giới thiệu điển hình đổi mới phương pháp dạy học ở các trường và các tỉnh. Xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn đổi mới phương pháp giảng dạy.

- Tiếp tục xây dựng thư viện câu hỏi kiểm tra, bài tập các môn học để giáo viên, học sinh tham khảo, sử dụng trong dạy và học, tự kiểm tra, đánh giá.

- Đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới phương pháp dạy và học ở từng cấp học. Các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học, cao đẳng sư phạm xây dựng nguồn học liệu mở hỗ trợ giảng dạy và học tập các môn ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân đưa lên website của các Sở và Bộ Giáo dục và Đào tạo để giáo viên, học sinh cả nước tham khảo (mỗi địa phương xây dựng tư liệu về văn hoá, lịch sử, địa lý, danh nhân của địa phương mình). Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng giáo viên qua mạng. Tổ chức cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử.

- Vận động trong ngành giáo dục, trong vòng 2 năm bắt đầu từ năm học 2009 - 2010, chấm dứt việc dạy học chủ yếu qua “đọc - chép” ở THCS và THPT. Mỗi giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục thực hiện một đổi mới trong phương pháp dạy học và quản lý. Mỗi trường có một kế hoạch cụ thể về đổi mới phương pháp dạy học. Mỗi tỉnh có 1 chương trình đổi mới phương pháp dạy học.

- Đẩy mạnh các hoạt động giáo dục bảo vệ môi trường, giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các cơ sở giáo dục. Xây dựng danh mục các đề tài nghiên cứu về khoa học giáo dục của Bộ GD - ĐT và các tỉnh.

- Nâng cao năng lực các phòng khảo thí và quản lý chất lượng ở các Sở GD - ĐT. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các hướng dẫn về công tác đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục.

Triển khai công tác đánh giá chất lượng giáo dục các trường phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp, trong đó có các trường ngoài công lập, các trường do nước ngoài đầu tư hoặc đào tạo theo chương trình nước ngoài; xây dựng chuẩn và chuẩn bị các điều kiện để đánh giá các trường mầm non. Triển khai các bước chuẩn bị cho Việt Nam tham gia chương trình đánh giá kết quả học tập của học sinh quốc tế (PISA).

- Tiếp tục triển khai mạnh mẽ đào tạo theo nhu cầu xã hội ở các trường trung cấp chuyên nghiệp, thực hiện nghiêm túc 3 công khai, tăng cường công tác quản lý của các Sở GDĐT đối với các trường trung cấp chuyên nghiệp.

2. Phát triển quy mô giáo dục cả đại trà và mũi nhọn, trên cơ sở đảm bảo chất lượng và điều chỉnh cơ cấu đào tạo, gắn đào tạo với yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, đào tạo với sử dụng

Thực hiện công bằng xã hội trong GD - ĐT. Tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó, học giỏi, học sinh là con em đối tượng chính sách xã hội.

Phát triển giáo dục mầm non trên mọi địa bàn dân cư, đặc biệt chú trọng các xóm vùng nông thôn, miền núi có khó khăn, đảm bảo duy trì trên 40% số cháu vào nhà trẻ, trên gần 100% số cháu vào mẫu giáo, vào năm 2015; trên 50% số cháu vào nhà trẻ, 100% số cháu trong độ tuổi được đến lớp mẫu giáo, vào năm 2020.

Củng cố vững chắc xoá mù chữ, chống tái mù và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi.

Giữ vững các chỉ tiêu phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục Trung học cơ sở. Tích cực thực hiện phổ cập trung học.

Phát triển giáo dục không chính qui, đẩy mạnh xây dựng và hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng ở xã, phường, thị trấn gắn kết chặt chẽ với nhu cầu, thực tế của đời sống kinh tế - xã hội của từng địa phương.

3. Tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục, tăng cường nền nếp, kỷ cương, thanh tra, kiểm tra; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về giáo dục

Đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý nhà nước về giáo dục; tăng cường nền nếp kỷ cương; chống tư tưởng, tâm lý sùng bái khoa cử trong giáo dục. Thực hiện phân cấp quản lý giáo dục giữa ngành và cấp đảm bảo quy định hiện hành.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động GD - ĐT, thực hiện nghiêm túc quyết định số 12/QĐ-UBND ngày 24 tháng 4 năm 2009 của UBND tỉnh Ban hành quy định về việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Hà Nam, đáp ứng nhu cầu học tập nâng cao kiến thức của con em nhân dân trong tỉnh. Tăng cường quản lý việc thu, sử dụng các khoản đóng góp trong nhà trường. Phát hiện, xử lý nghiêm đối tượng sử dụng văn bằng chứng chỉ bất hợp pháp.

4. Tăng cường đầu tư về nguồn lực giáo dục

* Về xây dựng đội ngũ giáo viên:

Triển khai chương trình " Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục một cách toàn diện ".

Từ nay đến trước năm 2015 hoàn thành chuẩn hóa cho giáo viên có đủ năng lực; tham gia giải quyết nghỉ chế độ trước tuổi cho giáo viên không đạt chuẩn, năng lực dạy yếu. Phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn 100%, giáo viên trên chuẩn: mầm non đạt 60%, tiểu học 90%, THCS  70%, giáo viên THPT có trình độ thạc sĩ 20%.

Tham mưu có chính sách thu hút giáo viên giỏi về phục vụ tại địa phương.

Chỉ đạo trường CĐSP Hà Nam thực hiện kế hoạch tuyển sinh đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với yêu cầu phát triển giáo dục của tỉnh trong từng giai đoạn.

Tiếp tục sắp xếp, củng cố, phát triển mạng lưới trường lớp, cơ sở giáo dục. Từng bước thực hiện phân luồng sau khi học sinh tốt nghiệp THCS và THPT để có cơ sở xây dựng cơ cấu đào tạo hợp lý, gắn với yêu cầu của thị trường lao động.

Đẩy mạnh thực hiện các mô hình liên kết đào tạo giữa các huyện, thị với các trường dạy nghề của TW, tỉnh, phát triển một cách hợp lý các trung tâm đào tạo nghề trong tỉnh.

* Về xây dựng cơ sở vật chất:  

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên. Huy động mọi nguồn lực, thực hiện đa dạng hóa các nguồn đầu tư từ các thành phần kinh tế cho phát triển giáo dục. Phấn đấu hết năm 2020 hệ thống trường đạt chuẩn quốc gia chiếm tỷ lệ cao trên tổng số trường của các ngành học, bậc học: 80% trường mầm non, THCS, THPT và 100% trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia.

Xây dựng quy hoạch và thực hiện quy hoạch về đất đai cho xây dựng trường học theo định mức trường chuẩn Quốc gia.

5. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục

Tăng cường tuyên truyền, vận động giáo dục để các cấp, các ngành, cán bộ nhân dân trong tỉnh thấy rõ vị trí, tầm quan trọng của sự nghiệp trồng người trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, từ đó thực hiện tốt "xã hội hóa" giáo dục.

Đổi mới và nâng cao năng lực hoạt động của hội đồng giáo dục, hội đồng trường, hội khuyến học các cấp.

Thường xuyên tham mưu với HĐND, UBND tỉnh bổ sung, sửa đổi quy định về thu, sử dụng các khoản đóng góp trong nhà trường.

6. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, lao động sản xuất trong các nhà trường

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, lao động sản xuất trong các nhà trường nhất là trong trường cao đẳng sư phạm, gắn kết hoạt động khoa học công nghệ với phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt coi trọng nghiên cứu khoa học giáo dục và áp dụng công nghệ thông tin vào phương pháp dạy và học. Sử dụng có hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước để đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên.

Khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia phát triển giáo dục, tạo cơ hội cho mọi người, ở mọi lứa tuổi, mọi trình độ được học thường xuyên, học suốt đời; tiến tới một xã hội học tập. Nâng cao nhận thức, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự giám sát của HĐND, sự quản lý của UBND các cấp, phát huy vai trò của các tổ chức Công đoàn, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Đội thiếu niên, hội cha mẹ học sinh, hội khuyến học và các đoàn thể, tổ chức xã hội khác trong việc huy động nguồn lực xã hội tham gia phát triển sự nghiệp giáo dục.

Toàn ngành tiếp tục thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" cuộc vận động "Mỗi thày giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" và phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" đẩy mạnh phong trào thi đua "Hai tốt", phấn đấu giữ vững thành tích đã đạt được, tạo sự chuyển biến rõ nét trong phát triển giáo dục theo yêu cầu Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X. Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự phối hợp của các cấp, các ngành, các đoàn thể và các địa phương toàn ngành phấn đấu thực hiện thắng lợi những mụ tiêu đề ra từ nay đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, tạo tiền đề đáp ứng tốt hơn yêu cầu hình thành lớp thanh niên có năng lực công dân mới, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế xứng đáng với sự quan tâm và mong mỏi của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Nam.

D. GIỚI THIỆU MỘT SỐ ĐƠN VỊ CÓ THÀNH TÍCH XUẤT SẮC, CÓ NHIỀU CỐNG HIẾN VÌ SỰ NGHIỆP GIÁO DỤC

Trường THPT Chuyên Biên Hoà - Hà Nam

Trường THPT A Duy Tiên- Hà Nam

Trường THPT  Lý Nhân- Hà Nam

Trường THPT  B Kim Bảng - Hà Nam

Trường THPT A Bình Lục - Hà Nam

Phòng GD - ĐT huyện Lý Nhân

Phòng GD - ĐT thành phố Phủ Lý

Phòng GD - ĐT huyện Duy Tiên

E. Năm học 2018-2019:

          * Mạng lưới, quy mô giáo dục các cấp học ở địa phương

+ Mầm non 120 trường (trong đó, có 116 trường công lập, 04 trường tư thục); nhà trẻ có 504 nhóm (trong đó, 403 nhóm công lập, 84 lớp tư thục, 17 nhóm có tôn giáo) với 8.146 trẻ (trong đó, 6.557 trẻ công lập, 1.245 trẻ tư thục, 344 trẻ có tôn giáo); mẫu giáo có 1.403 lớp (trong đó, 1.314 lớp công lập, 62 lớp tư thục, 27 lớp có tôn giáo) với 41.502 trẻ (trong đó, 39.327 trẻ công lập, 1.307 trẻ tư thục, 868 trẻ có tôn giáo).

+ Giáo dục phổ thông: Cấp tiểu học: 120 trường công lập với 2.294 lớp có 72.316 học sinh; cấp THCS: 118 trường công lập với 1.222 lớp có 46.313 học sinh; cấp THPT: 23 trường công lập với 549 lớp, số học sinh 22.832 học sinh. Đã thành lập 2 trường liên cấp: TH&THCS xã Nhân Mỹ, TH&THCS xã Tiên Ngoại.

- Giáo dục thường xuyên: 

  + Số trung tâm GDTX-HN tỉnh: 01 trung tâm.

  + Số trung tâm GDNN-GDTX: 05 trung tâm.

  + Trung tâm học tập cộng đồng: có 116 trung tâm ở 116 xã, phường, thị trấn.

Trên địa bàn tỉnh còn có 2 cơ sở GDNN (Trường CĐ Nghề Hà Nam, Trường CĐ Thuỷ lợi Bắc Bộ) thực hiện chương trình GDTX cấp THPT.

Năm học 2017-2018, toàn tỉnh có 287 học viên học chương trình GDTX cấp THCS; có 1.833 học viên học chương trình GDTX cấp THPT; số học viên tham gia các lớp xoá mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ là 43 học viên; toàn tỉnh có 3577 người học nghề ngắn hạn, có 28766 lượt người tham gia học tập các chuyên đề tại Trung tâm HTCĐ.

- Số học sinh đầu cấp năm học 2018-2019:

+ Lớp 1: tuyển mới 18.519 đạt 100% so với dân số độ tuổi; tăng 4.007 học sinh và tăng 103 lớp so với năm học 2017-2018.

+ Lớp 6: tuyển mới 12.562 đạt 99,91% so với học sinh lớp 5 năm học 2017-2018; tăng 858 học sinh và tăng 18 lớp so với năm học 2017-2018.

+ Lớp 10: THPT: tuyển mới 8.314 đạt 75,64% so với học sinh lớp 9 năm học 2017-2018; tăng 317 học sinh và tăng 7 lớp. GDTX cấp THPT tuyển mới 1.308 học viên; tăng 747 học viên và tăng 14 lớp so với năm học 2017-2018 (trong đó có 273 học viên của 2 trường Cao đẳng).

- Số lượng trường chuẩn quốc gia của mầm non và phổ thông (tính đến 31/8/2018):  có 332/381 trường, đạt tỷ lệ 87,1%.

Trong đó:

+ Mầm non có 99/119 trường (đạt tỷ lệ 83,19%);

+ Tiểu học 121/121 trường Tiểu học (đạt tỷ lệ 100,0%), trong đó: 56 trường đạt M2;

+ THCS có 97/118 trường THCS (đạt tỷ lệ 82,2%),

+ THPT có 15/23 trường THPT (đạt tỷ lệ 65,2%);

So với thời điểm 31/5/2018 (thời điểm kết thúc năm học 2017-2018) số trường chuẩn đạt chuẩn quốc gia của mầm non, phổ thông tăng 08 trường; so với cùng kỳ năm học trước tăng 24 trường.

- Một số kết quả đạt được về xây dựng xã nông thôn mới, huyện nông thôn mới:

+ Số xã đạt chuẩn Tiêu chí số 5-Trường học: Hiện có 77/98 xã đạt 100% tiêu chí trường học trong bộ tiêu chí quốc gia XDNTM; 21/98 xã còn lại đều có 2/3 cấp học (mầm non, tiểu học, THCS) đạt chuẩn quốc gia.

+ Số xã đạt chuẩn Tiêu chí số 14-Giáo dục và Đào tạo: 100% (98/98) xã đạt Tiêu chí số 14 theo quy định.

+ Số huyện đạt chuẩn nội dung Tiêu chí số 5.3 theo Quyết định số 558/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Hiện có 3/5 huyện có tỷ lệ trường THPT đạt chuẩn Tiêu chí số 5.3, còn lại 02/5 huyện sẽ đạt chuẩn nội dung Tiêu chí số 5.3 trong năm 2019. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 huyện/6 huyện, TP có 100% trường THPT trên địa bàn ĐCQG; 3/6 huyện, thành phố còn lại sẽ đạt Tiêu chí 5.3 trong năm học 2018-2019 và năm 2019. 

         * Tình hình đội ngũ giáo viên các cấp học cho năm học mới

Tỷ lệ giáo viên phổ thông ở các cấp Tiểu học 1,38 GV/ lớp; Trung học cơ sở 1,90 GV/ lớp, 100% các trường tiểu học và THCS được bố trí 01 GV làm chuyên trách công tác Đội; THPT 2,25 GV/ lớp; THPT chuyên 3,10 GV/ lớp.

Trên cơ sở Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Hà Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ngành giáo dục đã tiếp tục làm tốt công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý ở tất cả các cấp học, chất lượng ngày được nâng cao: Mầm non: Đạt chuẩn: 100%, trên chuẩn: 92,76 %; Tiểu học: Đạt chuẩn: 100%, trên chuẩn: 97,9%; THCS: Đạt chuẩn: 100%, trên chuẩn: 69,7%; THPT: Đạt chuẩn: 100%, trên chuẩn: 15,8%.

* Thực trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị

- Toàn ngành có 5.931 phòng học: trong đó, Mầm non có 1.907 phòng học, tỷ lệ kiên cố đạt 1.821/1.907=95,49%; Tiểu học có 2.258 phòng học, tỷ lệ kiên cố đạt 2.201/2.258 = 98,48%, tỷ lệ 0,98 phòng/lớp; THCS có 1.304 phòng học, tỷ lệ kiên cố đạt 1.298/1.304 = 99,54%; THPT có 605 phòng học, tỷ lệ kiên cố đạt 100%; tổng số tiền xây mới và sửa chữa phòng học tính từ 1/1/2018 đến 31/8/2018 là 172.819 triệu đồng; có 636 phòng học bộ môn, tổng số tiền xây mới và sửa chữa phòng bộ môn tính từ 1/1/2018 đến 31/8/2018 là 26.928 triệu đồng.

- Đóng mới 5.518 bộ bàn ghế học sinh, sửa chữa 5.923 bộ bàn ghế trong hè để phục vụ năm học mới, với tổng số tiền 13.587 triệu đồng.

        - Tổng số tiền mua sắm thiết bị là 25.281,15 triệu đồng; trong đó ngân sách địa phương 20.445,78 triệu đồng, nguồn khác 4.835,37 triệu đồng; mua sắm bổ sung 40 phòng học ngoại ngữ tiếng Anh trang bị cho các trường phổ thông; mua sắm 17 phòng học môn Tin học cho các trường THPT.


 

 

 

 

Tin liên quan