Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Giữ ổn định Kỳ thi THPT quốc gia: Minh chứng về sự đúng hướng của đổi mới thi cử

Tin tức sự kiện  
Giữ ổn định Kỳ thi THPT quốc gia: Minh chứng về sự đúng hướng của đổi mới thi cử
04 - 10-2017

Giữ ổn định Kỳ thi THPT quốc gia:  Minh chứng về sự  đúng hướng của đổi mới thi cử

GD&TĐ - Sau khi Bộ GD&ĐT công bố phương án giữ ổn định Kỳ thi THPT quốc gia các năm 2018 – 2020 như kỳ thi năm 2017, đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía lãnh đạo Sở GD&ĐT các địa phương. 

Trả lời phỏng vấn báo Giáo dục và Thời đại,

bà Đinh Thị Lụa –Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Nam - đã bày tỏ quan điểm ủng hộ phương án thi và có những phân tích thấu đáo về tác động tích cực từ chủ trương của Bộ đến việc giảng dạy, học tập trong các nhà trường phổ thông hiện nay.

Sự ổn định cần thiết

Thưa bà, phương thức tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia trong các năm 2018 – 2020 sẽ được Bộ GD&ĐT giữ ổn định như năm 2017, vậy bà nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Tôi cho rằng: Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 được tổ chức thành công đã khẳng định công tác đổi mới thi/tuyển sinh đã đi đúng hướng, những mục tiêu đổi mới thi/tuyển sinh cơ bản đã đạt được, được xã hội đồng tình đánh giá cao.

Do vậy, phương thức tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia trong các năm tới sẽ được giữ ổn định như năm 2017 là điều mà cả học sinh, phụ huynh học sinh và dư luận xã hội đồng tình ủng hộ với chủ trương này của Bộ GD&ĐT.

Tổ chức kỳ thi như năm 2017 sẽ có những thuận lợi như sau: Việc chỉ tổ chức một cụm thi duy nhất ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư do các Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các trường ĐH, CĐ thực hiện; thời gian thi được rút xuống còn 2,5 ngày (kỳ thi năm 2015, 2016 được tổ chức trong 4 ngày); các điểm thi được tổ chức ở các trường THPT và liên trường phổ thông của tỉnh.

Do đó, kỳ thi trở nên nhẹ nhàng, giảm áp lực, giảm tốn kém cho thí sinh, gia đình và xã hội nhưng kết quả vẫn bảo đảm độ tin cậy để xét tốt nghiệp THPT và làm căn cứ cho các ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh.

Nhờ đổi mới phương thức thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có một mã đề thi riêng nên số thí sinh vi phạm quy chế giảm đi nhiều so với những năm trước. Trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, tại cụm thi số 24 do Sở GD&ĐT Hà Nam chủ trì tổ chức không có thí sinh nào vi phạm qui chế thi.

Theo bà thì việc Bộ GD&ĐT chủ trương duy trì ổn định Kỳ thi THPT quốc gia có tác động tích cực như thế nào đến việc giảng dạy và học tập trong các nhà trường hiện nay?

Theo tôi, chủ trương này của Bộ GD&ĐT sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho việc chỉ đạo hoạt động dạy và học trong các cơ sở giáo dục; Các nhà trường, giáo viên phát huy được những kinh nghiệm giảng dạy, ôn tập của năm 2017 để nâng cao chất lượng giảng dạy năm 2018.

Tâm lý của học sinh và phụ huynh yên tâm, tích cực hơn. Điều đặc biệt nhất phương án thi của Bộ đã tăng thiện cảm của xã hội đối với giáo dục về việc tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá trong các nhà trường.

Đổi mới GD&ĐT là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài

Theo phương án thi năm nay, Sở GD&ĐT Hà Nam sẽ có những định hướng chỉ đạo như thế nào trong tổ chức dạy và học, trong công tác đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh để chuẩn bị cho Kỳ thi THPT quốc gia đạt kết quả tốt theo tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT?

Không chỉ riêng đối với Kỳ thi THPT quốc gia, mà trong tất cả các lĩnh vực GD-ĐT, chúng tôi đều luôn có sự chỉ đạo đối với các cơ sở GD&ĐT để đạt được những kết quả tốt nhất, đáp ứng yêu cầu của đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; bởi nói gì thì nói, đổi mới GD-ĐT là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài mà chúng ta phải luôn hướng tới.

Ngành thường xuyên chỉ đạo các nhà trường dạy đều tất cả các môn học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng để học sinh được trang bị đầy đủ kiến thức kỹ năng cơ bản nhất. Cùng với đó, theo những văn bản hướng dẫn chuyên môn của Bộ, Sở sẽ chú trọng chỉ đạo những công tác trọng tâm ngay từ đầu năm học. Cụ thể:

Trong đổi mới phương pháp dạy học: Chỉ đạo các trường trung học đổi mới phương pháp dạy và học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, rèn luyện phương pháp tự học và vận dụng kiến thức, kỹ năng cho học sinh, đẩy mạnh các phương pháp dạy học tích cực khác; Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với nội dung bài học.

Nhất là chú ý đến việc tổ chức dạy học phân hoá phù hợp các đối tượng học sinh khác nhau; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc; tăng cường tổ chức bồi dưỡng kiến thức cho học sinh yếu kém…

Trong công tác đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh, Sở GD&ĐT giao quyền chủ động cho các cơ sở giáo dục trung học và giáo viên trong việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên và đánh giá định kì; chỉ đạo và tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc, đúng quy chế ở tất cả các khâu ra đề, coi, chấm và nhận xét, đánh giá học sinh trong việc thi và kiểm tra; đảm bảo thực chất, khách quan, trung thực, công bằng, đánh giá đúng năng lực và sự tiến bộ của học sinh.

Trong công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi phục vụ kiểm tra, đánh giá: Thông qua các đợt sinh hoạt chuyên môn theo quy định của Sở và các đợt tập huấn chuyên môn tại địa phương, Sở GD&ĐT tổ chức cho giáo viên tham gia ra đề, đề xuất và lựa chọn, hoàn thiện các câu hỏi, bài tập kiểm tra theo định hướng phát triển năng lực;

Sở GD&ĐT tổ chức cho các tổ/nhóm chuyên môn tổ chức thẩm định các câu hỏi theo hướng chuẩn hóa của Bộ GD&ĐT quy định; biên tập theo chủ đề, theo môn học và gửi về các trường để bổ sung cho thư viện câu hỏi của trường. Căn cứ vào mục tiêu dạy học, giáo viên sử dụng ngân hàng câu hỏi, bài tập để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, đánh giá hoặc ôn tập.

Xây dựng ma trận đề thi là một trong những yêu cầu mới trong kiểm tra đánh giá mấy năm trở lại đây. Sở GD&ĐT Hà Nam triển khai công tác này như thế nào, thưa bà?

Ma trận đề kiểm tra, đánh giá sẽ được Sở tổ chức xây dựng theo đúng yêu cầu của Bộ về biên soạn đề kiểm tra; Đảm bảo 4 mức độ yêu cầu: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao. Căn cứ vào mức độ phát triển năng lực của học sinh ở từng học kì và từng khối lớp, giáo viên và nhà trường xác định tỉ lệ các câu hỏi, bài tập theo 4 mức độ yêu cầu trong các bài kiểm tra trên nguyên tắc đảm bảo sự phù hợp với đối tượng học sinh và tăng dần tỉ lệ các câu hỏi, bài tập ở mức độ yêu cầu vận dụng, vận dụng cao.

Đồng thời với đó, Sở sẽ chỉ đạo kết hợp một cách hợp lí giữa hình thức trắc nghiệm tự luận và trắc nghiệm khách quan, giữa kiểm tra lí thuyết và kiểm tra thực hành trong các bài kiểm tra; ra đề kiểm tra theo hướng tăng cường ra các câu hỏi mở, gắn với thời sự, quê hương, đất nước đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn để học sinh được bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội…

Xin cảm ơn bà!