Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tiếp tục tinh thần khởi nghiệp trong toàn hệ thống giáo dục

Thông tin Tuyên truyền, Phổ biến  
Tiếp tục tinh thần khởi nghiệp trong toàn hệ thống giáo dục
Tiếp tục tinh thần khởi nghiệp trong toàn hệ thống giáo dục
Tiếp tục tinh thần khởi nghiệp trong toàn hệ thống giáo dục

07 - 10-2019

Ghi nhận và chúc mừng Bộ GD&ĐT, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã tham gia triển khai Đề án 1665 "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025" trong 2 năm qua và đạt được những kết quả bước đầu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng thời mong mỏi, tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo sẽ tiếp tục trong tất cả các trường đại học và toàn hệ thống giáo dục.

 

Sáng 5/10, tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức Lễ khai mạc Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên (HSSV) năm 2019 (SV-Startup 2019). Tới dự sự kiện có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; bà Lê Thị Nguyệt, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội; đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành trung ương, thành phố Hà Nội; các trường đại học, sở GD&ĐT và hơn 1000 HSSV.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng các đại biểu bấm nút khởi động Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của HSSV năm 2019

Khởi nghiệp thường trực trong suốt cuộc đời mỗi người

Phát biểu khai mạc Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của HSSV năm 2019, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, sau 2 năm triển khai Đề án 1665 “Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025”, đã có sự chuyển biến rõ nét về nhận thức trong mỗi nhà trường và có sự lan toả sâu rộng trong HSSV.

Ngành Giáo dục đã xây dựng tiêu chí nhà trường, đơn vị khởi nghiệp, xây dựng được một số tài liệu hướng dẫn kỹ năng về khởi nghiệp, đặc biệt giữa các nhà trường và doanh nghiệp đã có sự kết nối để tạo ra được không gian khởi nghiệp, khuyến khích hỗ trợ thầy cô giáo và HSSV cùng tham gia vào quá trình khởi nghiệp.

"Số lượng dự án khởi nghiệp của HSSV ngày càng nhiều, chất lượng ngày càng cao. Nếu năm ngoái chúng ta có khoảng gần 200 dự án khởi nghiệp thì năm nay con số đó đã là 300 dự án. Chất lượng của các ý tưởng, các dự án khởi nghiệp cũng tốt hơn, được các doanh nghiệp đánh giá cao hơn, kết nối tốt hơn và đóng góp nhiều hơn cho phong trào khởi nghiệp quốc gia. Đây là tín hiệu tốt” - Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khai mạc SV-Startup 2019

Về phương hướng thời gian tới, Bộ trưởng cho biết, ngành Giáo dục sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án 1665, trong đó chú trọng xây dựng các bộ tài liệu mang tính thực tiễn cao để nhân rộng kinh nghiệm khởi nghiệp của sinh viên; đồng thời nhân rộng các tài liệu đóng góp vào hệ tri thức Việt số hóa, qua đó nhiều người cùng được chia sẻ, đóng góp kinh nghiệm và kết nối với nhau tốt hơn.

Bộ GD&ĐT cũng sẽ kết nối, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các bộ, ngành để triển khai các đề án lớn của Chỉnh phủ như Trung tâm khởi nghiệp quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia; tạo thêm nhiều cơ hội cho HSSV khởi nghiệp trong lĩnh vực khoa học công nghệ, nắm bắt và tận dụng được lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…

Đánh giá cao vai trò của các doanh nghiệp, doanh nhân trong việc hỗ trợ, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong mỗi nhà trưởng, Bộ trưởng mong muốn, tới đây, các doanh nghiệp không chỉ tham gia hỗ trợ nhà trường thông qua hoạt động tài trợ mà còn hợp tác sâu hơn trong thiết kế chương trình giảng dạy, tham gia tổ chức giảng dạy.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tham quan gian trưng bày các dự án khởi nghiệp của HSSV

“Bộ đã có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp và nhà trường xây dựng các mô hình đào tạo gắn với thực tế trong nhà và ngoài nhà trường. Để ngay trong quá trình học, HSSV đã được trải nghiệm thực tiễn và làm được nhiều việc. Tôi mong rằng các doanh nghiệp sẽ chuyển dần từ tài trợ sang hợp tác và phát triển” - Bộ trưởng chia sẻ.

Lưu ý việc một số nhà trường vẫn còn coi khởi nghiệp chỉ là phong trào, chưa thực sự tạo được không gian để thầy cô và học trò được làm việc với doanh nghiệp ở góc độ sáng tạo, Bộ trưởng đề nghị, mỗi nhà trường phải coi đây là giải pháp để phát triển, vừa nâng cao chất lượng đào tạo, vừa thúc đẩy hoạt động nghiên cứu gắn với kết nối doanh nghiệp. Các thầy cô cần mạnh dạn giao cho HSSV các đề tài tốt và tạo điều kiện để các em phát triển ý tưởng của mình.

Chia sẻ với các em HSSV, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, khởi nghiệp luôn thường trực trong suốt cuộc đời mỗi người. Khởi nghiệp phải khẩn trương nhưng cũng phải thận trọng. “Đối với HSSV, nhiệm vụ trung tâm là học tập, học để chuẩn bị hành trang cho tương lai. Do vậy, quá trình tích luỹ kiến thức, kinh nghiệm, rèn luyện ý chí, nuôi dưỡng đam mê khát vọng là rất cần thiết. Khởi nghiệp cũng rất cần nhưng phải từng bước thận trọng, tránh tình trạng không chuẩn bị kỹ dẫn tới thất bại, chán nản” - Bộ trưởng nhắn nhủ.

HSSV khởi nghiệp không phải để tạo ra các tỷ phú

Phát biểu chỉ đạo tại Lễ Khai mạc Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của HSSV năm 2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nhắc lại mục đích của Đề án 1665 “Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025”. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, triển khai Đề án này không phải để tạo ra nhiều startup hay tỷ phú mà để trang bị kiến thức cho HSSV về khởi nghiệp, cao hơn nữa là tạo kết nối giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp. Và cao nhất là rèn luyện tinh thần khởi nghiệp trong HSSV, hun đúc và nhân lên tinh thần ấy.

“Một trong những đổi mới rất căn bản là phương pháp dạy và học. Trường đại học bây giờ là nơi sáng tạo tri thức mới. Giáo dục phổ thông không phải truyền thụ một chiều mà khơi dậy sự sáng tạo, đầu tiên từ giáo viên rồi tới học sinh, để hình thành một lớp người không thụ động mà sáng tạo, dám nghĩ khác, làm khác trong khoa học. Và vì thế, chúng ta quyết tâm làm Đề án này” - Phó Thủ tướng nhắc lại ý nghĩa của Đề án 1665.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Lễ Khai mạc Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của HSSV năm 2019

Ghi nhận và chúc mừng Bộ GD&ĐT, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã tham gia triển khai Đề án 1665 trong 2 năm qua và đạt được những kết quả bước đầu, Phó Thủ tướng đồng thời mong mỏi, tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo sẽ tiếp tục trong tất cả các trường đại học và toàn hệ thống giáo dục.

Để tiếp tục triển khai Đề án 1665 cũng như thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong HSSV, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chỉ đạo tất cả các trường đại học phải có ít nhất một không gian làm việc chung. Hiện nay đã có 70 điểm làm việc sáng tạo trong trường đại học nhưng con số này vẫn còn nhỏ so với số lượng các trường đại học.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị, các trường đại học, các thầy cô giáo cùng nhau làm và cùng nhau chia sẻ học liệu trên môi trường mạng, để từ đó lan tỏa tri thức, đóng góp hữu ích nhất cho các bạn sinh viên khởi nghiệp. “Nếu chúng ta học ở các trường khác nhau mà được tiếp cận học liệu của các thầy giỏi nhất thuộc các lĩnh vực thì không chỉ sinh viên một trường mà tất cả sinh viên trong cả nước sẽ được thụ hưởng chung”.

Cho rằng, việc kết nối giữa các trường với nhau, giữa nhà trường với doanh nghiệp, kết nối giữa các bộ, ngành để hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đã được làm rồi. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng vẫn còn nhiều việc phải làm để kết nối đó hiệu quả hơn. Hiện nay, chúng ta đã có nền tảng là hệ tri thức Việt số hóa, những người đã tốt nghiệp đại học, những người có kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài có thể cùng tham gia chia sẻ. Nhưng đến giờ việc này vẫn chưa làm được nhiều.

Đại diện Bộ GD&ĐT tặng hoa cảm ơn các doanh nghiệp đã đồng hành với SV-Startup 2019

“Chúng ta phải cùng nhau kết nối, chỉ có kết nối cùng nhau mới tạo ra một sức mạnh lớn, một người có thể đi học, thi đỗ, một người có thể lập nghiệp, thành đạt, nhưng cần hơn cả là phải cùng nhau. Chúng ta cần chăm chỉ, cần quyết tâm nhưng chưa đủ; sáng tạo là của cá nhân nhưng kết nối lại với nhau thì sáng tạo đó sẽ mang tới hiệu quả chung, tốt hơn, càng cổ vũ chúng ra sáng tạo được thêm những cái mới” - Phó Thủ tướng chia sẻ.

Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của HSSV 2019 được tổ chức trong 2 ngày 4 và 5/10/2019 tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Các hoạt động chính của Ngày hội bao gồm: Lễ khai mạc; Diễn đàn truyền cảm hứng khởi nghiệp cho HSSV: Kinh nghiệm từ các doanh nhân khởi nghiệp; Hội thảo “Định hướng trường đại học khởi nghiệp: Mô hình nào cho các trường đại học tại Việt Nam”; Hội thảo “Công tác hỗ trợ học sinh khởi nghiệp trong các trường phổ thông, kinh nghiệm và giải pháp".

Điểm nhấn của Ngày hội là vòng Chung kết Cuộc thi HSSV với  ý tưởng khởi nghiệp năm 2019. Cuộc thi SV-Startup 2019 dành cho HSSV từ 16-24 tuổi, được tổ chức với quy mô trên toàn quốc với sự tham gia của hơn 200 trường đại học, cao đẳng, trung cấp, THPT. Cuộc thi được phát động từ tháng 6/2019, đến nay Ban tổ chức đã nhận được gần 300 bài dự thi. Số lượng bài thi gửi về khá chất lượng, đa dạng, tập trung vào tất cả các lĩnh vực: Công nghệ, giáo dục, y tế, xã hội... Có 68 dự án xuất sắc nhất lọt vào vòng chung kết.

 

hanam

http://hanam.edu.vn/hanam/_content/tintuc/detail/_13555682042218606526.html