Đồng chí Vũ Đức Đam, Uỷ viên BCH TW Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị. Tại điểm cầu Hà Nam, các đồng chí: Trần Đức Thuần, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Bùi Quang Cẩm, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham dự hội nghị.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song ngành giáo dục cả nước đã nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ năm học 2016-2017. Đối với việc xây dựng, quy hoạch mạng lưới cơ sở GD&ĐT, số lượng các cơ sở mầm non tăng 2,3%, số trường phổ thông tiếp tục giảm, trong năm, cả nước đã giảm 417 trường. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tiếp tục được quan tâm. Công tác định hướng phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh phổ thông có nhiều chuyển biến với 41% học sinh sau tốt nghiệp THPT vào đại học, cao đẳng, 59% học sinh còn lại học nghề và đi làm. Chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo được nâng cao…
Năm học qua, toàn ngành đã làm tốt nhiệm vụ đổi mới hoạt động giáo dục, đổi mới mô hình dạy học theo hướng mở, chuyển mạnh quá trình giáo dục từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Đây cũng là năm tiếp tục thực hiện đổi mới việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia phù hợp với yêu cầu thực tế, đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, được toàn xã hội ủng hộ. Cơ chế quản lý cũng được toàn ngành tích cực đổi mới theo hướng phân cấp và phân quyền tự chủ để nâng cao chất lượng giáo dục, chú trọng phát triển đội ngũ gắn với rà soát, sàng lọc và tinh giản biên chế…
Trong năm học 2016-2017, cả nước có thêm gần 1.840 trường học các cấp được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng giáo dục có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. 100% tỉnh, thành duy trì tốt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, tiểu học và THCS… Hà Nam là một trong số các địa phương được đánh giá cao về thực hiện các nhiệm vụ GD&ĐT năm học 2016-2017.
Tuy nhiên, trong việc thực hiện các nhiệm vụ giáo dục, năm học qua vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần được quan tâm khắc phục và giải quyết. Đó là, công tác xây dựng và thực hiện các chính sách về giáo dục còn nhiều bất cập; công tác quy hoạch hệ thống, phát triển đội ngũ, phân luồng học sinh, dạy và học ngoại ngữ, phát triển cơ sở vật chất cho giáo dục còn hạn chế; công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh chưa được quan tâm đúng mức…
Đồng chí Bùi Quang Cẩm, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nam vì đã có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực công tác năm học 2016-2017.
Trên cơ sở đánh giá đúng những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện các nhiệm vụ giáo dục năm học 2016-2017, các đại biểu tham dự hội nghị đã tích cực thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng cho việc thống nhất các nhiệm vụ, giải pháp trong năm học 2017-2018. Theo đó, toàn ngành sẽ tiếp tục tập trung rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở GD&ĐT trong cả nước; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; tăng cường đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông và đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp, phân luồng trong giáo dục phổ thông; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, đảm bảo chất lượng các hoạt động GD&ĐT; hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về GD&ĐT…
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam biểu dương những nỗ lực của toàn ngành, các địa phương, và toàn xã hội cho phát triển GD&ĐT trong suốt thời gian qua. Đồng thời, thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: quản lý nhà nước và quản trị trong các cơ sở giáo dục còn nhiều quy định cứng nhắc, không còn phù hợp. Thực tế vẫn còn không ít các hoạt động giáo dục, các kỳ thi được tổ chức đang chạy theo thành tích, quá trình giáo dục chưa chú ý nhiều đến dạy người toàn diện, còn tồn tại bạo lực học đường. Đặc biệt, tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ còn xảy ra ở nhiều địa phương, làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục… Đặc biệt, trong năm học 2017-2018, ngành giáo dục cần chỉ đạo các cấp học, nhất là tiểu học có sự quan tâm hơn nữa đến mục tiêu dạy người toàn diện, thực chất hơn; mạnh dạn trao quyền cho các cơ sở giáo dục trong việc tăng cường và làm tốt công tác tự chủ về giáo dục; các ngành và các địa phương cần có sự lưu tâm đầu tư cho cơ sở vật chất và việc thay đổi chương trình và sách giáo khoa, tạo lộ trình cho thực hiện tốt đổi mới chương trình giáo dục phổ thông…