Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hội nghị trực tuyến toàn quốc tiếp tục thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018

Thông tin chỉ đạo, điều hành  
Hội nghị trực tuyến toàn quốc tiếp tục thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018
Hội nghị trực tuyến toàn quốc tiếp tục thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018
Hội nghị trực tuyến toàn quốc tiếp tục thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018

12 - 03-2022

Sáng 11/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về việc tiếp thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (CTGDPT) 2018. Đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT dự và chỉ đạo hội nghị.

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hà Nam có lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành liên quan.

CTGDPT 2018 bắt đầu được triển khai thực hiện từ năm học 2020- 2021 đối với học sinh lớp 1 và tiếp tục được thực hiện trong năm học 2021- 2022 đối với học sinh lớp 2, lớp 6. Quá trình triển khai đã được ngành giáo dục nỗ lực, quyết tâm thực hiện và đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ từ nhiều phía. Đến nay, việc thực hiện CTGDPT 2018 của các địa phương đã cơ bản ổn định, thu được những thành công bước đầu. Các địa phương, các cơ sở giáo dục (CSGD) đã linh hoạt, sáng tạo tổ chức các mô hình triển khai thực hiện chương trình năm học, đưa học sinh tới trường.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc tiếp tục thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hà Nam.

Thực hiện CTGDPT 2018, tỉnh Hà Nam đã có sự chuẩn bị về đội ngũ, cơ sở vật chất, làm tốt công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận xã hội; tập trung nguồn lực để tổ chức dạy học. 100% các trường phổ thông trên địa bàn xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch giáo dục nhà trường theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; đa dạng hóa các hình thức dạy học để ứng phó với diễn biến của dịch Covid-19. Hết học kỳ I năm học 2021- 2022, đã có trên 51% học sinh lớp 6 đạt kết quả học tập loại Khá- Tốt, 43,95% học sinh đạt yêu cầu về học tập và chỉ còn 4,95% học sinh chưa đạt; tỉ lệ học sinh lớp 1, lớp 2 được đánh giá mức Tốt và Đạt các năng lực cốt lõi và phẩm chất chủ yếu ở mức cao.

Để tiếp tục thực hiện CTGDPT 2018 đối với lớp 3, lớp 7, lớp10 năm học 2022- 2023, các địa phương đang tích cực chuẩn bị các điều kiện. Về đội ngũ, ngành giáo dục các địa phương đã yêu cầu các cơ sở giáo dục lập danh sách giáo viên dự kiến dạy lớp 3, lớp7, lớp 10 để chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn.

Đến nay, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên cấp THCS đã cơ bản hoàn thành mô- đun 5; cấpTHPT đã hoàn thành mô- đun 4 của CTGDPT 2018. Đối với việc chọn SGK, các CSGD đã hoàn thành việc giới thiệu giáo viên, cán bộ quản lý tham gia các Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa(SGK); các địa phương phối hợp với các NXB tổ chức các Hội thảo giới thiệu SGK kết hợp giữa hai hình thức trực tuyến và trực tiếp. Tỉnh Hà Nam dự kiến hoàn thành lựa chọn SGK lớp 3, lớp 7, lớp 10 trước 05/4/2022.

Tuy đã đạt được nhiều kết quả bước đầu khả quan nhưng để chuẩn bị cho việc tiếp tục triển khai CTGDPT 2018 trong những năm tiếp theo, hiện các địa phương trong cả nước còn gặp một số khó khăn. Qua ý kiến của các địa phương cho thấy, ở một số tỉnh, thành, sau khi thực hiện sáp nhập, nhiều trường học đang có nhiều điểm lẻ, có quy mô số lớp và số học sinh/lớp vượt so với quy định; quỹ đất cho phát triển trường học một số địa phương còn hạn chế; chưa có chính sách phù hợp khai thông các nguồn lực xã hội hóa đầu tư xây dựng trường học. Thực trạng thiếu giáo viên so với định mức quy định của cấp tiểu học và THCS xảy ra ở đa số địa phương; hầu hết các tỉnh đều gặp khó khăn khi thiếu nguồn tuyển giáo viên.

Việc tinh giản biên chế 10% theo lộ trình 5 năm gây khó khăn đối với ngành GD&ĐT. Nhiều địa phương còn khó khăn về CSVC, thiết bị dạy học như: tiêu chuẩn về diện tích phòng học, phòng chức năng của nhiều địa phương chưa đạt theo quy định; cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện dạy học, thiết bị thí nghiệm còn thiếu, không đồng bộ; thiết bị dạy học theo CTGDPT 2018 chưa được cung cấp…

Công tác lựa chọn SGK cũng đặt ra nhiều vấn đề khi chưa thực hiện bố trí kinh phí, chế độ cho việc lựa chọn SGK; chưa có sự thống nhất trong quy định về cách thức thực hiện lựa chọn sách của Hội đồng lựa chọn sách các địa phương; thời gian nghiên cứu bản mẫu SGK của thành viên Hội đồng lựa chọn SGK cấp tỉnh còn ngắn nên việc nghiên cứu chưa thật đầy đủ tất cả các bản SGK;  môn Tiếng Anh có quá nhiều đầu sách gây khó khăn trong giới thiệu, nghiên cứu và lựa chọn; danh mục SGK lớp 3, lớp 7, lớp 10 chưa được công bố đầy đủ làm ảnh hưởng đến tiến độ lựa chọn SGK ở địa phương.

Bên cạnh đó, các nhà trường, ngành giáo dục các địa phương còn khó khăn về bố trí giáo viên dạy hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; về cách thức tổ chức, kinh phí thực hiện để bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy môn Tin học và Tiếng Anh cấp tiểu học; về bố trí giáo viên dạy môn Âm nhạc và Mĩ thuật cấp THPT; về việc tổ chức dạy, kiểm tra, đánh giá đối với môn học tự chọn (Ngoại ngữ 2) lớp 6; về triển khai các môn lựa chọn cho học sinh lớp 10.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&Đ Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Việc thực hiện các mục tiêu đổi mới giáo dục theo CTGDPT 2018 được tiến hành sâu, rộng, tạo sự chuyển đổi toàn diện từ triết lý giáo dục cho tới định hướng và cách tiếp cận; nhiều vấn đề chưa có trong tiền lệ, nhất là về thực hiện xã hội hóa giáo dục, lựa chọn SGK. Cùng với đó, CTGDPT 2018 được triển khai trong điều kiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc, có phạm vi rộng, tốc độ nhanh, đến năm 2024 sẽ hoàn thành ở tất cả các cấp học vì vậy cũng đặt ra cho các địa phương không ít việc cần giải quyết.

Để thực hiện tốt các mục tiêu, đúng lộ trình của chương trình, đồng chí Bộ trưởng đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở GD&ĐT có sự tham mưu cụ thể, dài hơi, có tính hết các phần việc phải làm cho đến năm 2024. Trong đó, việc lựa chọn SGK, biên soạn tài liệu giáo dục địa phương nên thực hiện theo tinh thần đảm bảo đạt được ý nghĩa của việc chọn một bộ sách và dùng nhiều bộ sách để tham khảo. Quá trình thực hiện dạy học theo bộ SGK mới, yêu cầu các Sở GD&ĐT cần chủ động có các ý kiến phản hồi chính thống về Bộ GD&ĐT trước khi dư luận xã hội lên tiếng.

Về vấn đề đội ngũ, Bộ GD&ĐT sẽ làm việc với các bộ, ngành có thẩm quyền để sớm bổ sung chỉ tiêu biên chế, rà soát các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; chỉ đạo các trường sư phạm tăng cường đào tạo giáo viên các môn học đặc thù. Trước mắt, các địa phương cần vận dụng tối đa, linh hoạt các biện pháp giải quyết bài toán thiếu giáo viên cho các trường phổ thông; đẩy mạnh chuyển đổi số trong dạy học…Về đầu tư cơ sở vật chất cho dạy CTGDPT 2018, yêu cầu các Vụ, Cục của Bộ GD&ĐT tích cực phối hợp với Bộ Tài chính tính đến việc xây dựng khung định giá mua sắm các trang thiết bị dạy học theo danh mục.

Trong thời điểm này, đồng chí Bộ trưởng yêu cầu các địa phương, ngành giáo dục tiếp tục làm tốt công tác phòng chống dịch Covid-19, chủ động các phương án cho học sinh đi học trực tiếp an toàn, nhanh nhất, sớm nhất, đảm bảo khung chương trình năm học.

Thanh Hà

http://hanam.edu.vn/hanam/_content/tintuc/detail/_2226214101536180961.html