Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Những bước đi vững chắc của giáo dục Hà Nam

Thông tin Tuyên truyền, Phổ biến  
Những bước đi vững chắc của giáo dục Hà Nam
Những bước đi vững chắc của giáo dục Hà Nam
Những bước đi vững chắc của giáo dục Hà Nam

05 - 01-2022

Những năm gần đây, cùng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, sự ủng hộ của xã hội, ngành giáo dục Hà Nam đã chủ động triển khai thực hiện nhiều giải pháp tích cực nhằm đổi mới và phát triển giáo dục toàn diện. Những kết quả về giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) sau 25 năm tái lập tỉnh đã cho thấy rõ điều này.

Hướng mở cho phát triển giáo dục toàn diện

Với mục tiêu, phát triển GD&ĐT Hà Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế; xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đủ về số lượng, cơ cấu, đạt chuẩn về trình độ, năng lực, phẩm chất; hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm tốt các điều kiện dạy và học; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; đẩy mạnh chất lượng giáo dục mũi nhọn,…

Những bước đi vững chắc của giáo dục Hà Nam

Giáo dục Hà Nam được quan tâm phát triển bảo đảm các mục tiêu bền vững, chất lượng, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Quy hoạch phát triển GD&ĐT tỉnh Hà Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã dành những ưu tiên cần thiết và tạo hướng mở cho phát triển sự nghiệp GD&ĐT. Bên cạnh việc xây dựng các chỉ tiêu cụ thể cho phát triển toàn diện quy mô, chất lượng giáo dục đối với từng cấp học, một quy hoạch mang tính chuẩn hóa về mạng lưới trường lớp, nhu cầu về đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên trường học cũng được xác định. Trong đó, về quy hoạch mạng lưới trường lớp, đến năm học 2021-2022, tỉnh Hà Nam ổn định quy mô với 374 trường học các cấp. Trong đó, cấp học mầm non đã tăng cường đầu tư để tiếp tục phát triển các cơ sở giáo dục mầm non công lập và tạo cơ chế khuyến khích tư nhân hóa việc mở các trường mầm non ngoài công lập.

Với giáo dục phổ thông, trên cơ sở đặc thù của từng cấp học, điều kiện thực tế mỗi địa phương, tỉnh xác định rõ quan điểm tiếp tục giữ vững sự ổn định về quy mô trường lớp đối với cấp tiểu học và THPT, không thành lập mới các trường THCS công lập nhưng đã xây dựng được ở mỗi huyện, thành phố, thị xã một trường THCS chất lượng cao, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của học sinh địa phương. Cùng với đó, hệ thống các trung tâm giáo dục thường xuyên-hướng nghiệp dạy nghề và giáo dục chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng được phát triển theo mục tiêu ổn định quy mô, khuyến khích đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu xã hội. 

Sự đầu tư về đội ngũ được quan tâm thực hiện tập trung hơn về chất lượng, nhằm đáp ứng nhu cầu về giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên trong trường học để triển khai các nhiệm vụ giáo dục, nhất là thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Theo đó, đến nay, tỉ lệ giáo viên các cấp học từng bước được bảo đảm (cấp học mầm non là 1,9 giáo viên/lớp, cấp tiểu học là 1,29 giáo viên/lớp, cấp THCS là 1,86 giáo viên/lớp, cấp THPT là 2,18 giáo viên/lớp), 100% các trường THCS và tiểu học bố trí được 1 giáo viên phụ trách công tác đoàn, đội. Năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, giáo viên được tăng cường, nâng cao, dần hoàn thiện các yêu cầu về chuẩn trình độ theo quy định của Luật Giáo dục 2019. 

Đây là bước tạo đà quan trọng để tỉnh ta tiếp tục thực hiện các mục tiêu mới về phát triển GD&ĐT đến năm 2030. Khi đó, GD&ĐT Hà Nam sẽ đạt trình độ tiên tiến, được hiện đại hóa ở cấp quốc gia, một số mặt tiếp cận trình độ các nước tiên tiến trong khu vực. Hà Nam được xây dựng trở thành một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước, nằm trong nhóm 10 tỉnh dẫn đầu cả nước về trình độ, chất lượng phát triển GD&ĐT. Trên cơ sở xác định rõ được yêu cầu phát triển GD&ĐT trong những năm tới, ngành giáo dục đã thực hiện tốt công tác xây dựng nhiệm vụ từng năm học và cho cả giai đoạn. Trong đó, có sự đầu tư tập trung nhất cho phát triển quy mô và đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, quan tâm phát triển về cả con người cũng như cơ sở vật chất… 

Những kết quả tích cực

Trong năm qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thực hiện xã hội hóa giáo dục, nguồn kinh phí đầu tư cho giáo dục của tỉnh Hà Nam đáp ứng tương đối nhu cầu thực tế. Bên cạnh hệ thống trường lớp được đầu tư xây mới, tu sửa, nâng cấp, bảo đảm có gần 99,5% phòng học kiên cố và bán kiên cố, với các nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương, từ nguồn xã hội hóa dành cho mua sắm thiết bị, các trường học trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư một khối lượng lớn các trang thiết bị phục vụ cho dạy và học, góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án dạy và học trong trường học. Đến thời điểm đầu năm học 2021- 2022, đã có 358/361 trường học công lập các cấp thuộc tỉnh đạt chuẩn quốc gia (đạt 99,17%). 

Hà Nam được xây dựng trở thành một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước, nằm trong nhóm 10 tỉnh dẫn đầu cả nước về trình độ, chất lượng phát triển GD&ĐT. 

Những bước đi vững chắc của giáo dục Hà Nam

Mặc dù phải thực hiện đồng thời với việc phòng, chống dịch Covid-19 nhưng toàn ngành giáo dục đã triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Những năm học gần đây, do có sự tích cực của toàn ngành trong thực hiện đổi mới giáo dục, thay đổi phương pháp giáo dục theo hướng lấy người học làm trung tâm, tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng thực hành, kỹ năng sống cho học sinh nên kết quả xếp loại hạnh kiểm và học lực của học sinh đã toàn diện hơn trước.

Hiện nay, bên cạnh khối lượng kiến thức được học trong các tiết học chính khóa, học sinh các cấp đã được thường xuyên tham gia vào các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, các cuộc thi mang đến cho học sinh cơ hội được khám phá, giao lưu, học hỏi như: thi KHKT, thi vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết tình huống thực tiễn dành cho học sinh trung học, thi giải Toán, Vật lý, tiếng Anh qua Internet dành cho học sinh phổ thông.

Những cuộc thi này đã mang tới cho giáo dục Hà Nam hàng trăm giải cao cấp tỉnh và cấp quốc gia. Qua các Kỳ thi THPT quốc gia, tỉ lệ tốt nghiệp của các trường THPT cũng như điểm thi bình quân của tỉnh liên tục đứng trong top 10 địa phương trong toàn quốc. Chất lượng giáo dục toàn diện từng bước được nâng lên một cách vững chắc, đã tạo nền căn bản cho giáo dục chất lượng cao và thực hiện mục tiêu phát triển giáo dục mũi nhọn, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Ngành giáo dục đã có sự quan tâm đặc biệt đối với công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi (HSG), học sinh năng khiếu, tập trung chú trọng nâng cao chất lượng kỳ thi tuyển sinh lớp 10, chỉ đạo thực hiện chương trình bám sát chuẩn kỹ năng và kiến thức, rà soát và phân loại đối tượng học sinh, tăng cường bồi dưỡng liên thông HSG cấp THCS với cấp THPT, tổ chức dạy học phân hóa, xây dựng các chuyên đề giảng dạy HSG phù hợp với yêu cầu thực tế…

Đặc biệt, trong những năm học gần đây, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, toàn ngành phải thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ kép: vừa dạy học, vừa phòng chống dịch. Với tinh thần chủ động, linh hoạt, việc triển khai các nhiệm vụ năm học trong điều kiện dịch bệnh phức tạp đã được ngành giáo dục và các nhà trường thực hiện có hiệu quả. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng dạy học qua internet, trên truyền hình, dạy học trực tuyến trong thời gian học sinh nghỉ học trực tiếp ở lớp để phòng, chống dịch. 100% các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch và triển khai dạy học trực tuyến đảo đảm hoàn thành chương trình theo đúng khung thời gian năm học.

Bên cạnh đó, toàn ngành cũng khẩn trương, tích cực các điều kiện cho việc tiếp tục triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới ở cả hai cấp tiểu học và THCS. Về đội ngũ giáo viên, tuy vẫn còn chưa có đủ số lượng giáo viên đứng lớp ở các cấp học theo định biên nhưng ngành giáo dục đã có sự ưu tiên phân công, bố trí đội ngũ bảo đảm đủ về số lượng và chất lượng thực hiện dạy học chương trình và SGK mới. Đánh giá bước đầu cho thấy, việc triển khai dạy học theo Chương trình GDPT 2018 ở tỉnh ta đã cho những kết quả đáng phấn khởi, tạo sự đồng thuận, tin tưởng của toàn xã hội và là minh chứng rõ nét cho những định hướng đúng cùng sự nỗ lực của toàn ngành giáo dục.

Đây là những yếu tố quan trọng góp phần không nhỏ đưa giáo dục Hà Nam có được những bước đi vững chắc, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ và mục tiêu phát triển GD&ĐT theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục hiện nay.

hanam

http://hanam.edu.vn/hanam/_content/tintuc/detail/_10862787146225284948.html